Đổi mới, sáng tạo và cống hiến sẽ làm nên thành công
Thứ tư, 23/09/2020 - 13:24
Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020, những cá nhân điển hình đã chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; đâu là những bí quyết giúp họ đạt được thành tích đáng tự hào, đáng cảm phục trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trong học tập.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: Một trong những điểm nhấn trong hoạt động dạy và học tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy – học, Theo đó, từ năm học 2018 – 2019, nhà trường đã tổ chức tập huấn phương pháp dạy học này.
Các đại biểu tham gia tọa đàm
Ban đầu, nhà trường cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là với đội ngũ giáo viên lớn tuổi. Nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của Ban giám hiệu và các đồng nghiệp thì các thấy, cô đã vượt qua và thích ứng.
Theo cô Thu Anh, để vượt qua khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ lẫn nhau thì rất cần nỗ lực vượt lên chính mình của mỗi giáo viên. Chính những yếu tố này đã giúp Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành vượt qua khó khăn ban đầu khi thực hiện dạy – học trực tuyến.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
"Khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhà trường đã bắt tay vào thực hiện dạy học online. Ban đầu, chúng tôi quay video, sau đó để thầy – trò cùng tương tác. Sau 1 tuần, nhận thấy dịch Covid-19 có những dấu hiệu phức tạp, nhà trường đã thực hiện dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu và chúng tôi đã làm được" - cô Thu Anh cho biết.
Theo cô Thu Anh, mỗi thầy cô cần chủ động đổi mới phương pháp dạy – học và đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Điều quan trọng là thầy, cô truyền cảm hứng và động lực học tập cho học trò của mình, để các em biết cách học và tự học suốt đời.
Nhắn gửi tới học trò, cô Thu Anh chia sẻ, cuộc sống luôn biến động không ngừng, vì thế, các em cần mạnh mẽ, tự tin và trang bị cho mình những kỹ năng sống. Đó cũng là định hướng mà ngành Giáo dục đang hướng tới: Chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Khi các em cố gắng, nỗ lực phấn đấu không ngừng và có tự trọng thì các em sẽ được mọi yêu thương, giúp đỡ thương và các em sẽ được hạnh phúc.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh)
Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn An Khương (Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) lại nhận thấy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình. Mỗi giáo viên cần xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học, nhưng vẫn phải giữ được đặc thù của môn học.
Quá trình đổi mới phương pháp giáo dục, cô Nhung và các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường và các cấp quản lý giáo dục. Đặc biệt cô nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh nhiệt tình tham gia, thậm chí còn hỗ trợ tích cực giáo viên.
2 học sinh Tống Phương Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường Chuyên Quốc học Huế
2 học sinh Tống Phương Thanh Bình và Tống Phước Thanh An, học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường Chuyên Quốc học Huế chia sẻ: Khi gặp những vấn đề khó, hai anh em thường trao đổi với nhau, cùng đi sâu, tìm hiểu và cùng giải quyết cho bằng được. Sau mỗi lần như thế thì hai anh em sẽ tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích.
Hơn nữa, việc là anh em sinh đôi có nhiều lợi thế giúp cho chúng em không chỉ là anh em mà còn là đôi bạn học. Mỗi người có một thế mạnh riêng và bổ sung cho nhau. Có những ngày hè, chúng em học đến 2 giờ sáng nhưng vẫn thấy rất vui và hạnh phúc bởi đối với chúng em đó không phải là việc học căng thẳng mà đó là việc đắm mình trong tìm tòi và nghiên cứu khoa học.
Sắp tới, hai anh em dự định sẽ “tách nhau” ra với ngã rẽ trên giảng đường Đại học. Nếu như người anh Thanh Bình ước mơ học tại Đại học Công nghệ Hà Nội thì Thanh An lại mong muốn học tại Đại học Bách khoa TP HCM.
Thanh An cho rằng: Dù mỗi người một trường nhưng chúng em tin chỉ cần đam mê và nỗ lực thì sẽ có được thành công và vẫn có thể hỗ trợ tốt cho nhau trong tương lai.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Trung học phổ thông cấp quốc gia năm học 2018-2019, Thanh Bình đạt giải nhất và Thanh An đoạt giải nhì quốc gia môn Vật lý. Hai anh em Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An đã có hai năm liên tiếp giành giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Đến năm học 2019-2020, cả hai anh em đều đoạt giải nhất với số điểm thi khá cao. Bình đạt 25,6 điểm xếp thứ 2 và An được 23,6 xếp thứ 8 toàn quốc. Hai anh em cũng có thành tích học tập ở các môn khác rất đáng khâm phục, luôn đạt học sinh giỏi với điểm tổng kết hàng năm đều trên 9,0.
PGS. TS Trần Thị Thu Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên
PGS. TS Trần Thị Thu Hà – Hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên nhắn nhủ với tới hai anh em Tống Phước Thanh Bình và Tống Phước Thanh An nói riêng và những HSG nói chung khi lựa chọn theo học các trường ĐH trong nước: Đó là vinh dự cho giáo dục nước nhà tuy nhiên cũng khẳng định nhiều trường ĐH của Việt Nam đã khởi sắc, có vị thế, có thể sánh ngang các trường ĐH trong khu vực và quốc tế.
PGS. TS Trần Thị Thu Hà cho biết: Khi học xong tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Australia, có nhiều sự lựa chọn nhưng cô đã chọn trở về làm việc tại Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên. Bởi với cô làm ở đâu trên thế giới không quan trọng bằng việc bản thân có thể đóng góp nhiều nhất cho khoa học và đất nước. “Nghiệp của tôi gắn liền với cỏ cây hoa lá, với người dân nghèo vùng núi… Vì vậy tôi chọn trở về quê hương làm việc. Đến bây giờ nếu được lựa chọn lại tôi vẫn chọn trở về nước. Tôi chưa từng thấy ân hận với quyết định không làm việc sinh sống ở nước ngoài hay những thành phố lớn. Tôi được sống ở nơi cần mình, được cống hiến cho xã hội, được xã hội, người thân... trân trọng. Đó là thành công lớn nhất” – PGS.TS Trần Thị Thu Hà trải lòng.
Nói về sự đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho NCKH ở nhiều trường ĐH trong nước còn hạn chế khiến ảnh hưởng tới kết quả. PGS.TS Trần Thị Thu Hà khẳng định, đó là thực tế đúng bởi để có những sản phẩm NCKH xứng tầm thế giới cần có sự đầu tư. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa Việt Nam không có những nghiên cứu tầm khu vực và quốc tế. Minh chứng, qua đợt dịch Covid-19 nhiều sản phẩm về y tế, nông lâm… sánh vai với khu vực đã được nghiên cứu và cho ra đời thành công.
Đến lúc nhà nước cần có sự nhìn nhận, đầu tư trọng điểm, chiều sâu… hơn khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập, đặc biệt đang đi theo hướng “Quốc gia khởi nghiệp". Mặt khác, các trường ĐH có thể phối hợp với các tập đoàn lớn để nhận được sự hỗ trợ đầu tư, song hành với các công trình NCKH.
Đánh giá về những bước chuyển quan trọng của giáo dục ĐH trong 5 năm qua, PGS.TS Trần Thị Thu Hà cho rằng, nếu trước đây giáo dục ĐH chỉ tập trung vào đào tạo được bao nhiêu SV - thì 5 năm trở lại đây đã quan tâm về chất lượng đào tạo; Các giảng viên ĐH đã chủ động tìm các nguồn đầu tư nghiên cứu bên ngoài, nghiên cứu đã phát huy tính chất ứng dụng, không còn sản phẩm “bỏ vào tủ”, nghiên cứu có tính thực tiễn để đảm bảo ứng dụng cho xã hội…
Kết thúc phần tọa đàm, PGS. TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ “Một mình tôi sẽ không cống hiến được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội trong một quãng đời ngắn ngủi. Chính vì vậy trở thành nhà giáo là điều khiến tôi tự hào nhất trong sự nghiệp của mình. Đào tạo ra nhiều thế hệ học trò, truyền cho các em niềm đam mê với khoa học, ươm tạo những ước mơ học trò cũng là những đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước".
Theo https://giaoducthoidai.vn/